Tiến hành Giá_-_lương_-_tiền_(Việt_Nam)

Chủ trương cải cách Giá – lương – tiền được đề ra theo Nghị quyết Trung ương 8, khóa V của Đảng Cộng sản Việt Nam do Trường Chinh chủ trì vào tháng 6 năm 1985, nhằm xóa bỏ tập trung quan liêu – bao cấp,... chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.[2] Giá – lương – tiền bắt đầu được thi hành từ quyết định của Hội đồng Bộ trưởng do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký tháng 9 năm 1985[1][7], để củng cố mãi lực của đơn vị tiền tệ Việt Nam. Đây cũng là động lực đưa tới vụ đổi tiền năm 1985 với hối suất 1 đồng mới ăn 1 đồng, 2 đồng, 6, đồng, 9 đồng hoặc 10 đồng cũ tùy theo thời gian ký thác tiền trong trương mục tiết kiệm.[8] Chủ ý việc đổi tiền là để giảm lượng tiền lưu hành và như thế làm tăng giá trị của tiền, nhưng thực tế là nó lại gây ra lạm phát sau đó.[9] Nhà chức trách đã suy luận sai lầm rằng bằng cách đổi tiền với hối xuất trên, giá trị của đồng tiền sẽ tăng gấp 10 lần.[10]

Tỷ lệ lạm phát Việt Nam giai đoạn 1980–2010

Mỗi gia đình chỉ được phép đổi lấy 2000 đồng tiền mới. Số tiền vượt con số quy định thì phải nộp vào trương mục ngân hàng đợi nhà chức trách xét sau.[11] Quyết định này đã gây ra cảnh khan hiếm tiền, khi nhiều người có nhu cầu đổi nhiều tiền hơn mức ấn định. Có những vụ cơ quan phải trả lương bằng chính loại hàng sản xuất vì không có tiền trả cho nhân công: người làm mũ thì được phát mũ thay tiền lương.[12] Để trả lương, nhà nước lại phải in thêm tiền với khối lượng 1,38 lần so với trước nên hậu quả là vật giá lại tăng mạnh.[13] Sang năm 1986 thì mức lạm phát lên đến 774,7% [14] làm nền kinh tế rối loạn. Riêng các nông sản, so sánh vật giá năm 1986 với năm 1976 thì tăng 2000%.[15]

Những năm kế tiếp lạm phát tiếp tục trên 100%.[16] Đến năm 1989 mới xuống dưới 100%.

NămLạm phát
1986774%
1987323,1%
1988393%
198934.7%[17]

Để cung ứng nhu yếu phẩm với giá thấp hơn, nhà nước phải mở rộng chương trình tem phiếu nhưng vẫn không đủ nên phải hạn chế theo từng ngạch của đối tượng (công nhân hay học sinh, công chức hay bộ đội, v.v.). Mỗi hạng được phép mua sáu loại hàng với một số lượng ở giá nhất định gồm có gạo, thịt lợn, nước mắm, đường, chất đốt (than, củi, dầu) và xà phòng giặt.[18]

Áp dụng quy chế này cũng buộc nhà nước thu mua hàng hóa từ nhà sản xuất ở giá thật thấp, gây bất mãn khiến người sản xuất muốn bán giá cao hơn phải bán bán ra chợ đen, làm thất thoát thêm số lượng hàng ít ỏi. Nhà nông theo quy định chỉ được giữ 60% sản lượng còn 40% phải bán cho nhà nước với giá rẻ theo dạng "thu mua". Vì nhà nước mua ở giá quá rẻ, có khi là dưới giá thành nên dân gian có câu là "mua như cướp".[19] Ngay cả những nông phẩm căn bản là gạo cũng thiếu hụt trầm trọng khiến dân chúng phải ăn độn bằng những thực phẩm trước kia chỉ dùng nuôi gia súc.[10]

Chính sách Giá – lương – tiền lúc bấy giờ chú trọng đến việc tăng sức mua của đồng tiền nhưng lại tạo ra lạm phát vì vật giá tăng là do thiếu hàng hóa và năng lực sản xuất thấp không đáp ứng nổi việc tăng lương. Mặt khác giá – lương – tiền cố ấn định giá cả và hạn chế tốc độ tăng lương nhưng cả ba khía cạnh đều thất bại, không khắc phục được lạm phát.